Tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm KHCNVN”

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Khoa học Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn lâm KHCNVN ngày nay), sáng ngày 14/10/2020, Viện Hàn lâm KHCNVN đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm KHCNVN”.
30/10/2021 - 02:33 PM 242 lượt xem
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, với tiềm lực nhân lực có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm luôn không chỉ dẫn đầu Việt Nam về số lượng công bố quốc tế, mà còn không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thể hiện qua sự tăng trưởng liên tục số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích (chiếm tới 60% tổng số lượng văn bằng độc quyền do người Việt đăng ký) và nhiều sản phẩm đã được chuyển giao cho Doanh nghiệp tạo nên Thương hiệu không chỉ trong hàn lâm mà được xã hội biết đến. Nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao các kết quả khoa học vào thực tiễn, Đảng ủy Viện Hàn lâm đã ra Nghị quyết số 159-NQ/ĐUVHL ngày 06/7/2017 về việc đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, cho đến nay, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực và đã đưa ra các hướng đề tài dự án phù hợp từ chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ công tác quản lý của bộ, ngành địa phương đến chuyển giao các sản phẩm cụ thể cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa… Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức các khóa tập huấn (với nguồn kinh phí nội tại cũng như từ sự hợp tác quốc tế) nhằm nâng cao hiểu biết của các nhà khoa học Viện Hàn lâm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
 
Liên tục trong 3 năm gần đây, Viện Hàn lâm KHCNVN luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hằng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mà tiêu biểu là thực phẩm chức năng NaturenZ hỗ trợ chức năng gan; Nanocurcumin bảo vệ dạ dày; Fuicodan (ngành dược liệu), lai tạo giống, sản xuất vaccine, phân bón…(ngành nông nghiệp), vật liệu mới ứng dụng vào an ninh quốc phòng, sơn chống cháy…(ngành công nghiệp), công nghệ sinh hóa xử lý rác, nước thải, chất thải y tế…
 
Trong suốt 45 năm hình thành và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã không ngừng vận hành nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ. Thương mại hóa công nghệ là một vấn đề khó và phức tạp cần có sự hợp tác của nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đi vào cuộc sống.
 
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Khoa học Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn lâm KHCNVN ngày nay), sáng ngày 14/10/2020, Viện Hàn lâm KHCNVN đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm KHCNVN” để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý chia sẻ các kinh nghiệm, hiểu biết của mình và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ của Viện Hàn lâm một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của đất nước. 
 
Tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam” được tổ chức vào 14/10
 
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của hơn 200 đại biểu tham dự gồm: đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước, các đại biểu đại diện Bộ KHCN, các doanh nghiệp đối tác, các nhà khoa học và cán bộ quản lý đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm, cùng 30 cơ quan thông tấn báo chí.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHCNVN – cho hay: Trong thời đại phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng, là động lực, và là nền tảng cốt lõi nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững nền kinh tế của mỗi quốc gia. Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học-công nghệ có vị trí và vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thì điều kiện đầu tiên và tiên quyết là phải thương mại hoá được các kết quả nghiên cứu, đưa được kết quả nghiên cứu từ cơ sở nghiên cứu ra doanh nghiệp, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
 
PGS.TS. Chu Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHCNVN phát biểu khai mạc tọa đàm
 
Sau 45 năm hoạt động, Viện Hàn lâm KHCNVN đã thu được nhiều kết quả nghiên cứu về khoa học cơ bản cũng như phát triển các công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam và đã chuyển giao nhiều sản phẩm công nghệ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó Viện Hàn lâm liên tục tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà khoa học về tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ với nguồn kinh phí từ trong nước và quốc tế, đồng thời mở hướng mới "nhiệm vụ phát triển sản phẩm thương mại" để hỗ trợ nhà khoa học hợp tác với doanh nghiệp phát triển và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.
 
Theo TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN chia sẻ: “Việc thương mại hóa sản phẩm gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm mới muốn tồn tại trên thị trường ngoài sự đổi mới sáng tạo còn phải đảm bảo điều kiện tài chính”. Nhóm nghiên cứu của TS. Hà Phương Thư luôn tăng cường truyền thông cho sản phẩm để tiếp cận thị trường. Thị trường khoa học công nghệ khá mới mẻ, nhưng để phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm công nghệ thì các nhà nghiên cứu cần đặc biệt chú ý.
 
Là một nhà nghiên cứu khoa học dấn thân để trở thành startup và có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cam Ranh, Trưởng Câu lạc bộ startup Khánh Hòa nhấn mạnh: “Tính sáng tạo đối với các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Sau khi học tập ở Nhật Bản và trở về Việt Nam, tôi đã phát triển sản phẩm chả cá và hộp đựng chả cá không mùi ứng dụng kỹ thuật của Nhật Bản”. Qua quá trình nghiên cứu sản phẩm chả cá, bà Hồng nhận thấy nhà đầu tư chính là thị trường của các nhà khoa học. Nhà đầu tư đầu tư vào tố chất của nhà khoa học. “Các nhà khoa học thực ra không cần tìm nhà đầu tư mà hãy phát ra tín hiệu để nhà đầu tư tìm thấy mình. Bản thân các nhà khoa học phải có tâm và chủ động đầu tư vào chính mình” – bà Hồng chia sẻ.
 
Trước thực tế nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường – Doanh nghiệp và khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng: Việc nghiên cứu khoa học công nghệ khó bao nhiêu thì chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ ra thị trường khó bấy nhiêu. Không chỉ vậy, thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ rườm rà, tốn nhiều thời gian, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy “nản lòng”. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin về sản phẩm, đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học, có nguồn thu bền vững. Điều quan trọng nhất chính là giải quyết vướng mắc về thủ tục giải ngân.
 
Tiếp theo chia sẻ của TS. Phạm Hồng Quất, PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban Ứng dụng triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KHCNVN cho hay: Tư duy của nhà khoa học và doanh nghiệp khác nhau, nên rất cần có sự hợp tác, thấu hiểu, để chuyển giao công nghệ. Vấn đề vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển giao nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ chính là là cơ chế tài chính và chính sách. Từ các kết quả khoa học công nghệ, việc triển khai thương mại hóa phải được các doanh nghiệp đánh giá, xem xét. Nhà nước có thể cấp kinh phí cho startup để giúp các nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm đưa ra thị trường có tính sáng tạo, hiệu quả cao.
 
Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm
 




 
Nguồn bài viết: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Đại hội Chi đoàn Viện Khoa học vật liệu nhiệm kỳ 2024 – 2027

Chiều ngày 04/4/2024, Chi Đoàn Viện Khoa học vật liệu long trọng tổ chức Đại hội Chi Đoàn nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Xem chi tiết

Hội thảo trực tuyến OU - ASEAN 2024 “Zero Carbon, Renewable Energy, and Semiconductor Devices”

Ngày 27 tháng 3 năm 2024, Viện Khoa học vật liệu (IMS) đã phối hợp với R3 Institute for Newly-Emerging Science Design (INSD) thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản) và Đại học Khoa học Malaysia (USM) tổ chức Hội thảo trực tuyến OU - ASEAN 2024 về “Zero Carbon, Renewable Energy, and Semiconductor Devices”.
Xem chi tiết

Hội thảo khoa học “IMS-VAST và JWRI-OU”

Ngày 14/03/2024, tại Viện Khoa học Vật liệu, đã diễn ra Hội thảo “IMS-VAST và JWRI-OU”. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố và phát triển hợp tác giữa Viện Khoa học Vật liệu (IMS) và Viện Nghiên cứu hàn (JWRI) – Đại học Osaka
Xem chi tiết

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

Triển khai phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ viên chức và người lao động các nội dung về Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024;
Xem chi tiết

Viện Khoa học vật liệu tổ chức Gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn

Sáng ngày 15/02/2024 (mùng 6 tháng giêng năm Giáp Thìn), tại Hội trường tầng 6 nhà B2, Viện Khoa học vật liệu đã tổ chức buổi gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Xem chi tiết
Viện khoa học vật liệu
  • 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại: 024 37564 129
  • Email: office@ims.vast.ac.vn
  • Giờ làm việc: 08h30 tới 17h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu
© 2021 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VẬT LIỆU.