Lịch sử thành lập

07/09/2022 - 12:24 PM 7.611 lượt xem

Viện Khoa học vật liệu là một đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được thành lập ngày 11/6/1993. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học vật liệu đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học vật liệu, triển khai ứng dụng có hiệu quả cao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vật liệu mới và phát huy có hiệu quả hợp tác quốc tế trong hướng nghiên cứu trọng điểm về khoa học và công nghệ vật liệu.

Giai đoạn hình thành (1993-1997)

Các phòng chuyên môn, các đơn vị nghiên cứu ở các Phân Viện vừa hình thành, vừa xây dựng để phát triển; Bên cạnh những kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng cũng được đặc biệt chú ý trong giai đoạn này.

Một số thành tích nghiên cứu công nghệ nổi bật thời kỳ này là đã phát triển thành công detector bán dẫn để sử dụng trong thiết bị huỳnh quang tia X; một số loại laser khí, các mođun quang học và các thiết bị châm cứu bằng laser; đặc biệt đã thành lập Công ty chế tác đá quý để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu về ngọc và đá quý; Thiết kế và chỉ đạo xây dựng thành công nhà máy tuyển quặng mangan Đức Thọ (Hà Tĩnh) công suất 3.600 tấn/năm, nhà máy tuyển cao lanh A Lưới (Thừa Thiên-Huế) công suất 15.000 tấn/năm; Nghiên cứu chế tạo thành công nam châm đất hiếm NdFeB cường độ cao trong các máy phát thủy điện nhỏ cung cấp cho một số địa phương; Chế tạo và ứng dụng rộng rãi sơn chống hà cho tàu biển, sơn chất lượng cao cho ngành giao thông; Xây dựng thành công pilot chế tạo TiO2 từ sa khoáng tại phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang; Nghiên cứu thành công nhiều loại vật liệu xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt bằng phương pháp thẩm thấu ngược đã được sử dụng có hiệu quả ở các vùng ven biển thiếu nước ngọt.

Giai đoạn phát triển (1998-2008)

Trang thiết bị được tăng cường cho các hướng nghiên cứu, trong đó có dự án ODA CHLB Đức tài trợ xây dựng Trung tâm “Đánh giá hư hỏng vật liệu” và đặc biệt là Dự án Phòng thí nghiệp trọng điểm Quốc gia về Vật liệu và linh kiện điện tử.

Thành tựu khoa học nổi bật trong thời kỳ này phải kể đến những kết quả nghiên cứu cơ bản về các vấn đề hiện đại của quang tử học và quang học chất rắn, về vật lý bán dẫn và các vật liệu cảm biến, về từ học và siêu dẫn. Viện đã đi tiên phong trong việc tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu liên ngành về khoa học công nghệ nano trong y sinh học.

Về phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng, một số loại vật liệu và linh kiện điện tử, quang điện tử tiên tiến và thiết bị khoa học công nghệ được chế tạo tại Viện như ống các-bon nano, các chấm lượng tử bán dẫn/tinh thể nano phát quang hiệu suất cao, vật liệu từ điện trở khổng lồ, thiết bị huỳnh quang tia X tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Thiết bị tuyển từ và công nghệ tuyển của Viện tiếp tục được khẳng định; điển hình là đã xây dựng dây truyền tuyển, sấy tro bay phục vụ công trình trọng điểm quốc gia thủy điện Sơn La. Các loại vật liệu và công nghệ bảo vệ chống ăn mòn, vật liệu chịu mài mòn cao được sử dụng trong nhiều nhà máy đóng tàu và khai thác khoáng sản.

Giai đoạn hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2009 đến nay)

Trong giai đoạn này, xác định được cùng với xu thế toàn cầu hóa, các hoạt động khoa học công nghệ chắc chắn cần hội nhập và phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, Viện Khoa học vật liệu đã đẩy mạnh các hoạt động ở tầm quốc tế không chỉ trong nghiên cứu cơ bản và đào tạo mà cả trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ vật liệu và triển khai ứng dụng.

Bên cạnh các đối tác truyền thống, Viện tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác mới và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác ASEAN với vai trò là đại diện quốc gia trong Tiểu ban Khoa học và Công nghệ vật liệu ASEAN.

Kết quả trực tiếp của quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là việc số lượng công bố quốc tế của Viện tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước, được gần 600 bài ISI, riêng từ năm 2013-2017 đã công bố được gần 400 bài ISI. Hàng năm, Viện được giao chủ trì thực hiện từ 5-7 đề tài cấp Nhà nước, từ 20-30 đề tài NAFOSTED, trên 20 đề tài, nhiệm vụ cấp Viện Hàn lâm. Công tác đào tạo giai đoạn này cũng phát triển nhanh chóng, 10 năm qua Viện đã đào tạo được hơn 70 Tiến sĩ ngành Khoa học vật liệu và hầu hết các luận án Tiến sĩ đều có công bố quốc tế.

Giai đoạn này, công tác phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một số sản phẩm mới đã được phát triển thành công như phụ gia sản xuất sơn chống cháy; phức hệ nano FGC hỗ trợ điều trị ung thư; Sunfat đồng cho ngành nông nghiệp, Hợp kim nặng vônfram làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự; Pin nhiên liệu (fuel cell) công suất lớn; Vật liệu nano kim loại ứng dụng trong nông nghiệp; Chất lỏng nano ứng dụng trong tản nhiệt của thiết bị điện tử; sản phẩm nam châm thiêu kết (Nd, Dy)-Fe-B lực kháng từ cao, ứng dụng trong mô tơ và máy phát điện; bộ tản nhiệt sử dụng cấu trúc đồng mao dẫn cho đèn LED 500W.

Với những thành tựu nổi bật trong gần 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học vật liệu đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003), hạng Nhì (năm 2008) và hạng Nhất (năm 2013); Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2020; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 và năm 2018, nhiều Bằng khen và Cờ thi đua của Viện Hàn lâm.

Viện khoa học vật liệu
  • 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại: 024 37564 129
  • Email: office@ims.vast.ac.vn
  • Giờ làm việc: 08h30 tới 17h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu
© 2021 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VẬT LIỆU.