TS. Trần Thị Kim Chi – Trưởng phòng Hiển vi điện tử được trao giải thưởng L’Oréal-UNESCO năm 2023
Chiều 24/11, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chương trình Giải thưởng Khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nhà Khoa học Nữ Xuất sắc năm 2023 cho TS.Trần Thị Kim Chi; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài và PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung.
Tham dự buổi Lễ có GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tại Việt Nam; Ông Benjamin Rachow, Tổng Giám đốc L’Oréal Việt Nam; Ông Olivier Brochet, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành; Lãnh đạo các Viện, trường Đại học và các nhà khoa học.
Ba ứng viên được vinh danh Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2023 đến từ Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế với các đề án nghiên cứu liên quan đến pin ion kim loại đa hóa trị sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương, đến phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, tìm hiểu khả năng kháng khuẩn và và nghiên cứu ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam.
Trao Giải thưởng L’Oréal– UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học cho 3 Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023
TS. Trần Thị Kim Chi, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với đề tài Nghiên cứu chế tạo pin ion kim loại đa hóa trị sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương. Đời sống con người cần năng lượng. Do đó, nghiên cứu chế tạo và phát triển các nguồn năng lượng luôn được quan tâm cùng với thời gian. Trong đó, pin là dạng nguồn năng lượng đang được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày để cung cấp năng lượng cho các thiết bị cá nhân như laptop, điện thoại thông minh, xe điện, hay cho những trạm tích trữ năng lượng để đảm bảo an toàn lưới điện. Pin Li-ion (LIBs) hoạt động dựa trên hiệu ứng điện hóa, trong đó ion Li+ nhận năng lượng từ nguồn điện trong quá trình nạp và giải phóng năng lượng để cung cấp cho thiết bị sử dụng điện – quá trình xả. Trong ba thập kỷ qua từ khi được phát minh, LIBs đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Do những tiến bộ công nghệ, hiện nay LIBs đã đạt đã đạt đến giới hạn về mật độ năng lượng (50-260 Wh/kg) và an toàn (dù rằng sự cố cháy nổ thi thoảng vẫn xảy ra với pin Li khi nạp gây nên nhiệt độ cao), về số chu kỳ nạp/xả. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng có sử dụng LIBs ngày càng cao, và chắc chắn còn tăng vọt do nhu cầu sử dụng ô tô điện gần đây, nên nguồn cung cấp nguyên tố Li trở nên một thách thức lớn cho ngành sản xuất pin.
Hiện nay, có hai hướng nghiên cứu phát triển pin đều chú trọng thay thế ion Li+ bằng (i) ion Na+ hoặc (ii) ion các kim loại đa hóa trị như Mg2+, Zn2+ và Al3+. Thực tế, do tính chất hóa học tự thân, pin sử dụng Na hoặc kim loại đa hóa trị đều an toàn hơn Li. Hơn nữa, do Na và các kim loại đa hóa trị kể trên có nhiều trong tự nhiên hơn Li rất nhiều, nên giải quyết được vấn đề trữ lượng vật liệu và giá thành (Na: 2,6%; Mg: 2,1%; Zn: 0.007%; Al: 8,21% khối lượng trong vỏ trái đất, trong khi Li chỉ là 0,0065%). Những nghiên cứu về pin ion Na gần đây đã đạt được những tiến bộ đáng kể, mở ra triển vọng sớm chia sẻ thị trường với pin LIBs.
Đề tài nghiên cứu về pin ion đa hóa trị ngoài ý nghĩa dùng các kim loại có trữ lượng lớn trong vỏ trái đất, sử dụng an toàn, còn có ý nghĩa công nghệ rất rõ ràng là do sử dụng ion kim loại đa hóa trị nên mật độ điện tích có thể nạp của pin cao hơn pin Li và Na (vì tăng theo hóa trị), trực tiếp dẫn tới sự tăng mật độ tích trữ và giải phóng năng lượng. Hơn nữa, việc sử dụng vật liệu tiên tiến nano MnO2 lai hóa với graphene để làm điện cực dương trong cấu trúc pin ion kim loại đa hóa trị cũng là một cách tiếp cận hứa hẹn cho những kết quả khoa học công nghệ tốt, làm tiền đề cho nghiên cứu phát triển ứng dụng pin trong thực tế. Trong nhiều diễn đàn về pin, đã có những tuyên bố rằng pin ion kim loại đa hóa trị được xem như sự kế tiếp thay thế LIBs.
Ban lãnh đạo Viện Khoa học vật liệu cùng các đồng nghiệp chúc mừng TS. Trần Thị Kim Chi
Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi là tác giả của 52 bài báo quốc tế, 23 bài báo trong nước và chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và quốc gia với hướng nghiên cứu trọng tâm trong lĩnh vực quang – điện tử, và gần đây là nghiên cứu chế tạo cửa sổ điện sắc kết hợp với lưu trữ năng lượng. Giải thưởng là minh chứng của sự cống hiến, tận tâm và không ngừng nghỉ trong việc theo đuổi tri thức khoa học. Đây cũng là sự công nhận, tôn vinh và ủng hộ đối các nhà khoa học nữ, những người đã và đang thúc đẩy sự tiến bộ và truyền cảm hứng vươn tới những chân trời mới.
Nguồn tin và ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Xử lý tin: Phan Kế Sơn - Nguyễn Hoàng