Hội thảo khoa học “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng”

Sáng ngày 18/10/2023, tại Hội trường lớn nhà A1, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng”.
23/10/2023 - 12:12 AM 433 lượt xem
     GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN và đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban, Ngành Trung ương như: Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo TW, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Cũng như đại diện các địa phương có khoáng sản đất hiếm như: tỉnh Lai Châu, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai; đại diện nhiều Trường đại học, Viện nghiên cứu, Hội Khoa học Kỹ thuật liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản; đại diện các Vụ chuyên ngành, các Ban Chủ nhiệm Chương trình thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, các Ban chức năng, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nhiều công ty, tập đoàn, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, đất hiếm ở Việt Nam. Đặc biệt, có trên 100 nhà khoa học, là chuyên gia trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, sử dụng đất hiếm tham gia Hội thảo.
Hiện nay, đất hiếm ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới, đây là nguyên liệu chính của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong sản xuất linh kiện điện tử, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, thiết bị quốc phòng và các ngành công nghiệp năng lượng sạch khác... Hội thảo là cơ hội để kết nối các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động tư vấn, chuyển giao, hoàn thiện công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu khai mạc Hội thảo

        Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông - vận tải, quân sự... Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD một năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm, Đảng và Nhà nước ta đã cho thăm dò đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay. Tuy vậy, đến nay hoạt động này còn hạn chế. Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.
PGS.TS. Đoàn Đình Phương – Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu điều hành phiên tham luận tại Hội thảo

     Các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ thêm các vấn đề mang tính cốt lõi đối với sự phát triển của đất hiếm Việt Nam như: Vai trò, tiềm năng của đất hiếm Việt Nam, nhu cầu trong nước và thế giới, khả năng làm chủ công nghệ cũng như những tác động đến môi trường của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm… đồng thời đã kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
GS.TS. Nguyễn Quang Liêm - Chủ nhiệm Chương trình KC02 trình bày báo cáo tại Hội thảo

     Theo GS. Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm Chương trình KC02, đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di dộng, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác. Đất hiếm ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới. Hiện nay, Việt Nam có trữ lượng tài nguyên đất hiếm đứng thứ hai trên thế giới nhưng vẫn đang khai thác nhỏ lẻ; cần đẩy mạnh hoạt động chế biến để mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực chế biến đất hiếm; cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến; đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam; từ đó ứng dụng đất hiếm trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao. Để nghiên cứu khai thác đất hiếm, theo GS Nguyễn Quang Liêm, cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam, ứng dụng trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm Lanthanum – Cerium), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc.
PGS. TS Hoàng Anh Sơn - Phó viện trưởng Viện Khoa học vật liệu trình bày tình hình nghiên cứu về đất hiếm tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

     Chia sẻ tình hình nghiên cứu về đất hiếm tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, PGS. TS Hoàng Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho biết, đối với lĩnh vực đất hiếm, Viện Khoa học vật liệu là một trong những đơn vị nghiên cứu đầu tiên trong cả nước. Những nghiên cứu định hướng khai thác chế biến, ứng dụng khoáng sản đất hiếm đã được Nhà nước đầu tư qua các chương trình KH&CN và từ các chương trình của Viện Hàn lâm KH&CN đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ đất hiếm vẫn chưa phát triển như mong muốn, nguyên nhân do đầu tư cho KH&CN vào lĩnh vực này chưa đủ và không tập trung; lĩnh vực ứng dụng đất hiếm chưa tìm được vị trí xứng đáng trong nền kinh tế thị trường. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam, PGS. TS Hoàng Anh Sơn đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phân chia, làm sạch các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Vấn đề môi trường trong khai thác và chế biến đất hiếm do TS. Dương Văn Nam – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và vật liệu môi trường, Viện Khoa học vật liệu trình bày tại Hội thảo

    Theo định hướng giai đoạn 2023-2028 tầm nhìn đến 2045, Việt Nam hướng trọng tâm phát triển công nghệ chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàm lượng tổng oxit đất hiếm tối thiểu 95%. Bên cạnh đó chế biến sâu các kim loại có nguyên tố đất hiếm (Nd, Dy, Pr) phục vụ chiến lược chuyển đổi năng lượng và giao thông không phát thải. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tác các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài. Thông tin tại hội thảo, TS. Dương Văn Nam – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và vật liệu môi trường, Viện Khoa học vật liệu trình bày một số vấn đề môi trường khi khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam. Quá trình khai tuyển quặng đất hiếm tại mỏ Đông Pao, có thể làm gia tăng nồng độ khí phóng xạ trên khai trường đạt mức 430 - 530Bq/m3, đôi nơi có thể đạt 630 Bq/m3, ứng với mức vượt giới hạn nồng độ khí phóng xạ theo tiêu chuẩn của IAEA và “mức hành động” được thừa nhận ở nhiều nước trên Thế giới đối với khí Radon là 200-600Bq/m3. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý thích hợp.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận Hội thảo

     Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự tâm huyết, những ý kiến nhận xét, đánh giá xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, có cơ sở của các diễn giả và các đại biểu tham dự Hội thảo. Bộ trưởng cho rằng, với sự quyết tâm của cộng đồng các nhà khoa học, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường. Qua đó khẳng định được vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất hiếm Việt Nam.
     Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/07/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Do đó, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham khảo, có báo cáo kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề khai thác và chế biến đất hiếm ở Việt Nam trong tương lai, qua đó đề xuất một số giải pháp KH&CN phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Chuyển đổi số 2024: Nền tảng phát triển kinh tế số và xã hội số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024, kết nối trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc. Sự kiện khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Xem chi tiết

LỄ KÝ KẾT THOẢ THUẬN HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ GIỮA VIỆN KHOA HỌC VẬT LIỆU VÀ CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TLC VIỆT NAM

Viện Khoa học Vật liệu ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ với Công ty Cổ phần Tập đoàn TLC Việt Nam
Xem chi tiết

Hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2024

Ngày 4/10 hằng năm được chọn là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 1/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Xem chi tiết

HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ KHOA HỌC VẬT LIỆU VÀ CÔNG NGHỆ NANO LẦN THỨ 11 - IWAMSN2024

Hội thảo quốc tế lần thứ 11 về Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano (The 11th International Workshop on Advanced Materials Science and Nanotechnology - IWAMSN 2024)
Xem chi tiết

HỘI DIỄN VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG

Trong 2 ngày 15-16/8/2024 , Công đoàn Viện Hàn Lâm đã tổ chức thành công hội diẽn văn nghệ quần chúng chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hội diễn với sự tham gia của 83 tiết mục đến từ 24 đơn vị có trụ sở tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Xem chi tiết
Viện khoa học vật liệu
  • 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại: 024 37564 129
  • Email: office@ims.vast.ac.vn
  • Giờ làm việc: 08h30 tới 17h00 từ thứ Hai đến thứ Sáu
© 2021 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VẬT LIỆU.